Trị vì Mộ Dung Đức

Mâu thuẫn nội tộc

Sau khi Mộ Dung Lân trao tước đế cho Mộ Dung Đức, ông ta ngay lập tức lại âm mưu tiến hành nổi loạn. Mộ Dung Đức vì thế đã giết chết người cháu này.

Ngay sau đó, Mộ Dung Đức đã phải tính đến việc có nên giết chết các cháu trai không. Trong lúc đó, Mộ Dung Bảo vẫn chưa biết rằng thúc phụ đã tuyên bố độc lập nên vẫn bắt đầu một chiến dịch chống lại Bắc Ngụy, song binh lính của ông do mệt mỏi với chiến tranh nên đã nổi loạn, buộc ông phải trở về Long Thành, và sau đó quân nổi loạn tiếp tục chiếm được Long Thành và buộc ông phải chạy về phía nam. Khi đến gần Hoạt Đài, ông vẫn không biết gì về việc Mộ Dung Đức đã xưng là Yên vương, và đã cử một hoạn quan tên là Triệu Tư (趙思) làm sứ thần đến chỗ Mộ Dung Đức, yêu cầu Mộ Dung Đức cử quan đến hộ tống ông ta đến nơi một cách an toàn. Mộ Dung Đức ban đầu đã tính đến việc thoái vị và nghênh đón sự trở lại của Mộ Dung Bảo, song sau khi nghe được những lời khuyên trái chiều của Trương Hoa (張華) và Mộ Dư Hộ (慕輿護), ông đã thay đổi ý định và chuẩn bị bắt Mộ Dung Bảo và đưa cháu trai đến với cái chết, song trong lúc Mộ Dư Hộ dẫn quân đến chỗ ẩn náu của Mộ Dung Bảo, Mộ Dung Bảo đã biết chuyện và chạy về phía bắc. Mộ Dung Đức giữ lại Triệu Tư, song sau khi bị Triệu Tư nguyền rủa là một người cướp ngôi, ông đã cho giết Triệu Tư.

Chiếm Thanh châu xưng đế

Năm 399, tướng Phù Quảng (苻廣), anh em của hoàng đế Phù Đăng của Tiền Tần, đã nghe được lời tiên tri rằng Tiền Tần sẽ sớm được tái lập, và do đó đã tuyên bố nổi loạn, xưng là Tần vương. Mộ Dung Đức đã đích thân dẫn quân đi đánh Phù Quảng và giết chết người này. Tuy nhiên, khi ông đi đánh trận, cháu trai Mộ Dung Hòa (慕容和) ở lại để trấn thủ Hoạt Đài và đã bị tướng Lý Biện (李辯) ám sát, người này sau đó đã trao thành cho Bắc Ngụy. Tổng trấn của Bắc Ngụy là Tố Hòa Bạt (素和跋) đã nhanh chóng tiến vào Hoạt Đài và đánh bại đội quân của Mộ Dung Đức và một người anh em họ tên là Mộ Dung Trấn (慕容鎮), và các thành khác trong vùng Hoạt Đài sau đó cũng đã đầu hàng Bắc Ngụy. Mộ Dung Đức tính đến chuyện bao vây Hoạt Đài, song vì nghe theo lời khuyên của tướng Hàn Phạm (韓範) rằng vây Hoạt Đài sẽ khó, ông quyết định đem quân về phía đông và giao chiến với thứ sử Thanh Châu (青州, nay là trung bộ và đông bộ Sơn Đông) là Tịch Lư Hồn (辟閭渾) của Đông Tấn. Vào mùa thu năm 399, ông chiếm được đô phủ của Thanh Châu là Quảng Cố (廣固, nay thuộc Thanh Châu, Sơn Đông), giết chết Tịch Lư, và biến Quảng Cố thành kinh đô mới. Từ thời điểm này, Mộ Dung Đức còn thực hiện một vài chiến dịch quân sự khác, ông cuối cùng bằng lòng với việc kiểm soát một đế chế nhỏ song ổn định.

Năm 400, Mộ Dung Đức xưng đế và đổi tên từ Mộ Dung Đức thành Mộ Dung Bị Đức (慕容備德) để cho phép người dân dễ dàng hơn trong việc kiêng húy, điều này có nghĩa rằng người dân sẽ chỉ phạm húy nếu họ sử dụng "Bị Đức" cùng nhau, còn nếu dùng "Bị" hoặc "Đức" một cách riêng biệt thì vẫn được phép vì cả hai chữ đều phổ biến. Ông phong cho Đoàn vương hậu là Hoàng hậu.

Tìm người kế nghiệp

Khi Mộ Dung Đức định cư tại Quảng Cố, ông đã cử nhiều phái đoàn để cố tìm ra tung tích của Công Tôn phu nhân và Mộ Dung Nạp. Năm 401, ông cử quan Đỗ Hoằng (杜弘) đi, bồi thường cho Đỗ Hoằng bằng cách để cha ông ta là Đỗ Hùng (杜雄) làm quan một huyện, song sau khi Đỗ Hoằng đến Trương Dịch, ông ta đã bị bọn cướp giết chết trước khi có thể tìm hiểu được điều gì. Tuy nhiên, năm 403, sau khi thuộc hạ cũ là Triệu Dung (趙融) đến từ lãnh thổ Hậu Tần, ông ta đã kể cho ông rằng Công Tôn phu nhân và Mộ Dung Nạp đều đã chết, và Mộ Dung Đức đã thương tiếc họ rất nhiều, đến nỗi ông đã lâm bệnh và từ thời điểm này trở đi, sức khỏe của ông trở nên không ổn định.

Cũng trong năm 403, theo sự cho phép của Mộ Dung Đức, một anh em của Hàn Phạm đã thực hiện cải cách một chính sách mà Mộ Dung Đức trước đó đã thiết lập, theo đó nếu người dân trong nước bị buộc phải tái định cư, họ sẽ được miễn các loại thuế sở hữu, tuy nhiên điều này đã dẫn đến các tuyên bố không trung thực về việc cướp ép di dân, và các loại thuế đó lại được khôi phục.

Năm 402, do Hoàn Huyền chiếm quyền nhiếp chính tại Đông Tấn bằng vũ lực, nhiều tướng lĩnh không chống đối được Hoàn Huyền, gồm Lưu Quỹ (劉軌), Tư Mã Hưu Chi (司馬休之), Cao Nhã Chi (高雅之), và Lưu Kính Tuyên (劉敬宣) đã chạy trốn đến Nam Yên. Năm 403, Cao Nhã Chi đã đề xuất Mộ Dung Đức đánh Hoàn Huyền, hy vọng rằng nếu không chinh phục được Đông Tấn thì cũng có thể lấy được lãnh thổ của Đông Tấn ở phía bắc Trường Giang. Hàn Phạm đã đồng ý với đề xuất này, cảm thấy rằng Hoàn Huyền không phải là một tướng giỏi và có thể dễ dàng bị đánh bại. Tuy nhiên, Mộ Dung Đức đã do dự và ông giải thích rằng từ lâu chỉ muốn khôi phục lại lãnh thổ Hậu Yên cũ từ tay Bắc Ngụy và chưa từng tính đến việc tiến về phía nam. Sau đó, do được một số tướng đồng tình, kế hoạch của Cao đã không được thực hiện. Quá thất vọng, năm 404, Cao Nhã Chi và Lưu Kính Tuyên đã âm mưu ám sát Mộ Dung Đức và đưa Tư Mã Hưu Chi lên thay thế, song kế hoạch đã bị lộ sau khi họ kể nó với Lưu Quỹ, là người không đồng ý với kế hoạch. Lưu Quỹ và Cao Nhã Chi bị bắt giữ và giết chết, còn Lưu Kính Tuyên và Tư Mã Hưu Chi thì đào thoát về Đông Tấn (khi đó Hoàn Huyền đã bị Lưu Dụ đánh bại).

Vào mùa hè năm 405, người con trai duy nhất còn sống sót của Mộ Dung Nạp là Mộ Dung Siêu (sinh sau cái chết của Mộ Dung Nạp), chạy trốn từ kinh thành Trường An của Hậu Tần đến Nam Lương, chứng minh danh tính của mình bằng cách trình cho Mộ Dung Đức con dao vàng mà Đức đã tặng cho Công Tôn phu nhân trước đây. Mộ Dung Đức vừa hạnh phúc lại vừa buồn rầu, và ông lập Mộ Dung Siêu là Bắc Hải vương, tương đương với tước hiệu của anh ông Mộ Dung Nạp khi còn là thân vương của Tiền Yên. Do Mộ Dung Đức không còn người con trai nào còn sống sót, ông dự định để Mộ Dung Siêu kế vị, và do đó đã lựa chọn những người đủ tài để phò tá cho Mộ Dung Siêu.

Mộ Dung Siêu gây ấn tượng cho hầu hết các quan lại Nam Yên, và hầu hết trong số họ coi ông là người thừa kế hợp pháp. Vài tháng sau đó, trong mùa thu, Mộ Dung Đức lâm bệnh, ông đã lập Mộ Dung Siêu làm thái tử.

Mộ Dung Đức qua đời ngay sau đó, thọ 70 tuổi. Mộ Dung Siêu lên ngôi suôn sẻ.

Việc chôn cất Mộ Dung Đức được thực hiện theo một cách kỳ lạ, có lẽ là theo ý nguyện của chính ông: sau khi ông qua đời, trên 10 quan tài đã được đem ra khỏi thành qua các cửa khác nhau và chôn ở những địa điểm bí mật, và chỉ một trong số đó là có thi hài của Mộ Dung Đức. Sau khi đoạn tang, một quan tài rỗng đã được đem chôn với nghi thức của hoàng đế.